Nhiều khi thấy mấy bà hàng xóm la con mà tui rầu ghê, không phải vì tui tò mò, ở không hóng chuyện đâu. Thế nhưng, bỏ ngoài tai không được bà con à, nhà thì sát vách nhau mà cái giọng la con của cái bà hàng xóm thì thiệt to còn hơn cái loa phóng thanh của phường nữa.
Vốn bà ta có cô con gái nhỏ, hình như mới học lớp 1 hà, nghe đâu cũng chịu quậy phá, làm ngược lại ý của bà mẹ lắm. Thế nên, hôm nào cũng bị bả la và chiều nào tui cũng phải nghe những lời “châu ngọc” của bà.
Mà nói thiệt nha, con bé hư, hay quậy phá một phần cũng do bà mẹ mà ra hết á. Ai đời dạy dỗ con mà "thét ra lửa" như vậy chứ. Phải nói năng nhẹ nhàng, dạy dỗ từ tốn, v.v… có vậy thì dạy con mới được.
Nhưng muốn dạy chúng tốt thì trước hết cha mẹ phải biết được nguyên nhân vì sao chúng không nghe lời, chúng hư hỏng như thế. Để từ đó chúng ta có những khuyên bảo cũng như cách thức phù hợp để dạy dỗ chúng.
Tính ra thì có cả thảy 5 nguyên nhân khiến trẻ hư đấy:
1. Thiếu sự quan tâm của bố mẹ: trẻ con vốn nhạy cảm lắm, nếu chúng ta không thường xuyên vui đùa cũng như quan tâm thì trẻ dễ hiểu lầm là cha mẹ không thương yêu gì chúng hết. Từ đó, chúng có xu hướng làm những điều gì đó để cha mẹ chú ý đến chúng hơn. Và điều gì đó chính là những trò bướng bỉnh, nghịch ngợm, v.v…
2. Không biết làm gì trong hoàn cảnh mới: trẻ con vốn như tờ giấy trắng, chúng đã biết làm gì đâu nè. Thế nên chúng tỏ ra tò mò và thích nghịch phá những điều xung quanh là chuyện thường.
Đã là cha mẹ thì phải biết chuẩn bị tâm lý và kiên nhẫn để cho con những lời khuyên, những hướng dẫn để trẻ biết nên làm cái gì, không nên làm cái gì khi trẻ gặp những tình huống, những hoàn cảnh mới, như đến trường chẳng hạn. Vì đâu phải lúc nào bạn cũng có thể ở bên cạnh trẻ để hướng dẫn trẻ cái nên, cái không nên đâu nè.
3. Bắt chước người lớn: trẻ con thường có xu hướng học theo người lớn, nhất là cha mẹ, anh chị em trong nhà. Ví dụ như: bạn hay ai đó chửi tục, trẻ nghe được sẽ ngỡ điều đó là hay và học theo, v.v… Thế nên, để trẻ có thể phát triển tốt, không nhiễm thói xấu thì cha mẹ và người thân trong gia đình phải quan tâm trẻ nhiều, đồng thời phải là tấm gương sáng để trẻ có thể noi theo.
4. Muốn kiểm tra phương pháp kỷ luật của cha mẹ: có nhiều cha mẹ trẻ thường đưa ra những lời răn đe, dọa dẫm, v.v… đối với trẻ trong quá trình giáo dục, thế nhưng những lời răn đe đó chỉ là hình thức thôi. Nên trẻ nghĩ là cha mẹ không phạt mình, từ đó trẻ không nghe lời, tỏ ra bướng bỉnh. Đôi khi muốn “quậy” để xem cha mẹ phạt mình như thế nào.
5. Để có được thứ mình muốn: biết là cha mẹ thương yêu mình nên nhiều đứa trẻ hay ăn vạ, khóc lóc hòng được cha mẹ chiều theo ý muốn của mình. Nếu ngay từ đầu, thấy cha mẹ nhất nhất chiều theo ý mình thì thể nào trẻ cũng có hành vi ăn vạ cho những lần sau.
Để tránh trường hợp này, cha mẹ trẻ nên cứng rắn hơn trong quá trình dạy dỗ con nhỏ, không nên thấy trẻ khóc lóc, ăn vạ mà chiều theo ý chúng. Dễ làm trẻ hư hỏng lắm.
Bởi thế, để dạy dỗ con cái không phải là chuyện dễ dàng gì đâu. Không phải mình la lối, đánh mắng chúng mỗi khi chúng sai phạm là được. Mà chúng ta phải biết quan tâm, để ý đến những suy nghĩ của chúng, phải cho chúng biết cái nào tốt, cái nào sai và những hình phạt mà chúng phải chịu nếu chúng vi phạm. Nhưng trước hết, chúng ta phải là những tấm gương tốt từ cách sống cho đến nói năng để trẻ có thể học theo…Có vậy mới mong trẻ ngoan và nghe lời được.http://yume.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét